DC4: "Bất ngờ" lãi khủng vào Q4.2023
Mùa báo cáo tài chính nào cũng có doanh nghiệp công bố lãi "khủng", lãi bằng lần. Hôm nay mình sẽ "thăm khám" một doanh nghiệp như vậy, DC4, công ty đã có "cú hích thần kỳ" về mặt doanh thu và lợi nhuận trong Quý 4/2023 nhờ vào việc bán đất dự án Khu Trung tâm Chí Linh cho DIC Corp (mã cổ phiếu DIG).
I. Giới thiệu công ty
DC4 được thành lập năm 1994 với tên gọi là Xí nghiệp kinh doanh vật tư xây dựng thuộc DIG.
DC4 hoạt động trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh phát triển các khu đô thị và khu công nghiệp; đầu tư kinh doanh phát triển nhà và hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế mới.
Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này không có gì nổi bật, khi từ năm 2019 đến nay dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm liên tục trong nhiều năm. Nôm na là mô hình kinh doanh không tạo ra tiền.
(Nguồn: Vietstock.vn)
Thay vào đó, cơ cấu cổ đông của DC4 mới là điều đáng chú ý:
1. Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG): 18,841,340 cổ phần, tỷ lệ: 35.89%.
2. CTCP Phát triền và Kinh doanh nhà: 6,810,995 cổ phần, tỷ lệ 12.97%.
3. Lê Đình Thắng : 5,312,152 cổ phần, tỷ lệ 10.12%.
Bạn hãy nhớ những cái tên này.
II. Doanh thu “bùng nổ”
Với tình hình tài chính như trên, bỗng dưng doanh thu trong Quý IV/2023 của DC4 tăng trưởng "thần kỳ" hơn... 200% so với cùng kỳ, lên đến 320,73 tỷ đồng, cùng với lợi nhuận sau thuế đột biến lên đến 100,26 tỷ đồng. Điểm đặc biệt là doanh thu này đến từ việc bán đất cho DIG (công ty liên quan), với giá 289,76 tỷ đồng, chiếm 82% doanh thu.
Trong bối cảnh ngành BĐS nói chung còn nhiều khó khăn, doanh thu và lợi nhuận như DC4 đạt được thông qua bán hàng cho bên liên quan, cần đặt dấu hỏi lớn.
(Nguồn: doanh nghiệp cung cấp)
III. Chính sách kế toán đối với công ty liên doanh và công ty liên kết
Về giao dịch liên doanh liên kết, theo chuẩn mực kế toán VAS 07( nguồn: http://tinyurl.com/4thvdyat), đối với khoản đầu tư vào công ty liên kết, doanh nghiệp có 2 cách ghi nhận: ghi nhận theo giá gốc, hoặc ghi nhận theo phương pháp vốn chủ sở hữu.
Đối với phương pháp ghi nhận theo giá gốc, phần lãi/lỗ của công ty liên doanh, liên kết sẽ không ảnh hưởng tới báo cáo hợp nhất trên báo cáo kết quả kinh doanh khi giá trị khoản đầu tư vẫn trên 10.000 đồng/cổ phiếu. Ngược lại, nếu ghi nhận theo phương pháp vốn chủ sở hữu, lãi/lỗ trong kỳ báo cáo phải ngay lập tức phản ánh vào báo cáo hợp nhất theo tỷ lệ sở hữu tương ứng.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán của DIG, tại phần thuyết minh chính sách kế toán cho công ty liên doanh và công ty liên kết, doanh nghiệp này đang lựa chọn phương pháp ghi nhận theo VCSH. Điều này nghĩa là các khoản lãi lỗ của DC4 sẽ ngay lập tức PHẢN ÁNH LÊN BÁO CÁO KQKD của DIG (3).
(Nguồn: doanh nghiệp cung cấp)
Doanh thu đột biến có thể là nhằm mục đích "phù phép" báo cáo tài chính, đẩy lợi nhuận của DIG lên khi hợp nhất.
IV. Sự mập mờ trong các giao dịch với bên liên quan
DC4 có một lịch sử ghi nhận phải thu với bên liên quan, sau đó trích lập dự phòng các khoản phải thu này, một hình thức của việc anh bán hàng mà không cần thu tiền.
Tại phần thuyết minh báo cáo tài chính của DC4 tại 31/12/2023, trong cơ cấu phải thu ngắn hạn khách hàng có khoản phải thu từ:
Công ty TNHH Laimian (Công ty cổ phần phát triển và kinh doanh nhà là cổ đông), số tiền là 33.3 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi 14 tỷ đồng.
Công ty cổ phần phát triển và kinh doanh nhà: 4.8 tỷ đồng, đã trích lập dự phòng phải thu khó đòi toàn bộ.
Dự phòng nợ phải thu khó đòi: là dự phòng phần giá trị tổn thất của các khoản nợ phải thu đã quá hạn thanh toán và khoản nợ phải thu chưa đến hạn thanh toán nhưng có khả năng không thu hồi được đúng hạn.. Trong trường hợp khoản phải thu 33.3 tỷ đồng với Laimian, đã được DC4 trích lập 14 tỷ, nghĩa là DC4 không có khả năng thu hồi 14 tỷ này, và xác định chỉ thu được 33.3 - 14 = 19.3 tỷ đồng. Trường hợp khoản phải thu 4.8 tỷ đã trích lập dự phòng toàn bộ, nghĩa là DC4 chấp nhận mất trắng.
Mô hình kinh doanh của DC4 đã không tạo ra tiền giờ lại còn bán hàng không cần thu tiền thì mình càng thêm nghi ngờ. Chưa hết, điều còn kỳ lạ hơn là: Công ty TNHH Laimian và Công ty cổ phần phát triển và kinh doanh nhà còn có cùng 1 địa chỉ, người đại diện đều mang họ Đinh.
Đến đây thì mình không còn nghi ngờ gì về việc DC4 là một SPE (Special Purpose Entity), hay còn gọi là công ty sân sau.
V. Kết luận
Như vậy với việc:
(1) Dòng tiền CFO âm trong nhiều năm, mô hình kinh doanh không tạo ra tiền,
(2) Doanh thu đột biến đến từ giao dịch với bên liên quan, 1 lịch sử ghi nhận rồi trích lập dự phòng các khoản phải thu với bên liên quan,
(3) Việc ghi nhận lãi/lỗ trong kỳ báo cáo phải ngay lập tức phản ánh vào báo cáo hợp nhất theo tỷ lệ sở hữu tương ứng đối với phương pháp vốn chủ sở hữu
thì việc khả năng doanh thu này là không có thật là tương đối cao. Vậy tại sao lại phải làm giả doanh thu với số tiền lớn như vậy? Khả năng là để đẩy số lợi nhuận của DIG lên khi hợp nhất báo cáo. Anh em đầu cơ chắc sẽ rất thích điều này.