Lãi từ giao dịch mua rẻ
Mùa báo cáo kết quả kinh doanh nữa lại đến. Như mọi khi, không thiếu doanh nghiệp có lãi “đột biến” trong năm 2023, trong đó có Công ty Cổ phần B.C.H (UPCoM: BCA) - một doanh nghiệp trong ngành thép ghi nhận doanh thu thuần cả năm đạt hơn 3.853 tỷ đồng, tăng 55% so với mức thực hiện năm 2022. Lợi nhuận sau thuế đạt 398 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 73,9 tỷ đồng. Cả doanh thu và lợi nhuận của BCA đều là mức đỉnh cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động.
Công ty đạt đỉnh doanh thu và lợi nhuận, trong một năm ngành thép khó khăn như 2023? Điều này đã làm mình tò mò.
Sau khi xem báo cáo tài chính, khoản lãi sau thuế gần 400 tỷ đồng của BCA đến từ việc thực hiện nhận chuyển nhượng cổ phần để sở hữu công ty con, được hạch toán ở phần thu nhập khác. Cụ thể, vào BCA đã ghi nhận khoản lãi từ giao dịch mua rẻ khi vào Quý 4/2023. Công ty con được BCA mua cổ phần là Công ty TNHH Gang Thép Tuyên Quang. Thông tin chi tiết liên quan đến giao dịch mua rẻ này không được công bố.
Giao dịch mua rẻ là kỹ thuật khá phổ biến để “đẩy số” lợi nhuận. Vậy giao dịch mua rẻ là gì? Làm cách nào mà nó giúp doanh nghiệp có nhiều lợi nhuận hơn?
(Nguồn: Internet)
Để hiểu điều trên, trước tiên ta cần biết doanh nghiệp có 2 loại tài sản cố định: tài sản cố định hữu hình và tài sản cố định vô hình.
Tài sản cố định vô hình (TSCĐ VH) là tài sản có giá trị nhưng không có hình thái vật chất. Tài sản cố định vô hình thể hiện trên bảng cân đối kế toán mang đầy đủ các yếu tố cần có của 1 tài sản thông thường: kiểm soát và xác định được. Mình sẽ gọi đây là nhóm TSCĐ VH màu xanh dương. Một số ví dụ về TSCĐ VH loại này là phần mềm, quyền sử dụng đất, bằng sáng chế,…
Nhưng doanh nghiệp vẫn sở hữu những tài sản cố định vô hình khác, mà không nằm trên bảng cân đối kế toán (do không thoả mãn điều kiện về tính kiểm soát và xác định được), ví dụ như: bí quyết kinh doanh, mạng lưới, mối quan hệ,… Mình sẽ gọi đây là nhóm TSCĐ VH màu xanh da lá cây.
Bổ sung thêm vào phần xanh dương Tài sản hữu hình (TSHH), ta có toàn bộ tài sản trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Phần xanh dương lúc này trông sẽ như sau:
Khi một có một công ty khác vào mua lại công ty có 2 phần tài sản màu xanh dương và xanh lá cây này, thì họ bỏ tiền ra để mua cả 2 màu, chứ không phải mua mỗi phần màu xanh dương trên bảng cân đối kế toán. Phần màu xanh lá cây được gọi là lợi thế thương mại (LTTM). Đây là 1 nhóm các tài sản vô hình.
Các nhân tố chính của 1 giao dịch mua rẻ
Giá mua
Giá trị hợp lý (giá đánh giá lại) của tài sản thuần (tài sản thuần là tài sản - nợ)
Lợi thế thương mại
Công thức của chúng ta sẽ như sau:
Giá mua = Giá trị hợp lý của tài sản thuần + LTTM
Nếu giá mua > giá trị hợp lý của tài sản thuần => Giá mua - Giá trị hợp lý của tài sản thuần > 0. Nói cách khác, LTTM > 0. Lúc này LTTM sẽ được ghi nhận vào phần tài sản, và thực hiện trích khấu hao trong 10 năm.
Nếu giá mua < giá trị hợp lý của tài sản thuần => Giá mua - Giá trị hợp lý của tài sản thuần < 0. Nói cách khác, LTTM < 0. Lúc này LTTM sẽ được ghi nhận vào thu nhập khác. Đây được gọi là giao dịch mua rẻ.
Để bạn dễ hiểu hơn, hãy hình dung thế này: Có một công ty A muốn mua 100% công ty của bạn, giá mua mà côgn ty A đưa ra là 10 tỷ đồng. Trong khi giá trị hợp lý của tài sản thuần của bạn là 200 tỷ đồng. Đứng từ góc độ công ty A, nếu giao dịch này thành công, thì A chỉ phải bỏ ra 10 tỷ để thu về 1 tài sản là 200 tỷ. Công ty A lãi 190 tỷ, quá hời. Vì thế trong trường hợp này ta nói công ty A đã mua rẻ.
Vấn đề đặt ra ở đây là, theo logic thông thường, chẳng ai bán một thứ đắt đỏ của mình với mức giá bèo bọt như ở ví dụ trên. Vậy thì vì sao người ta mua được với giá rẻ?
Chúng ta cùng xem trường hợp của KBC. Trong Quý 2/2022, KBC đã hoàn tất việc mua thêm 5,7 triệu cổ phần của Công ty Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng để nâng sở hữu từ 19,5% lên 48% và chuyển đơn vị này thành công ty liên kết. Mức giá mà KBC bỏ ra mua là 96 tỷ đồng, giá trị tài sản thuần mà KBC mua là 2.397 tỷ đồng (con số này do KBC tự đánh giá lại).
(Nguồn: Doanh nghiệp cung cấp)
Làm sao để KBC có thể mua rẻ cổ phần với giá 10.000 đồng của một doanh nghiệp có vốn nghìn tỷ đồng? Tiến hành tìm kiếm, mình đã tìm ra được thông tin là Công ty Sài Gòn - Đà Nẵng là thành viên của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) - một tập đoàn cũng do ông Đặng Thành Tâm làm chủ tịch HĐQT. Nguồn: https://vnexpress.net/nhung-tai-san-cua-tap-doan-ong-dang-thanh-tam-2732382.html
Nhờ giao dịch này, lợi nhuận sau thuế Quý 2/2022 của KBC tăng đột biến, lên mức 1,933 tỷ đồng, gấp 25 lần so với cùng kỳ.
Công ty CP Đầu tư Kinh doanh Nhà Khang Điền (HOSE: KDH) trong nửa đầu năm 2022 cũng sử dụng giao dịch mua rẻ trong phần KDH “lợi nhuận khác” trị giá tới 294 tỷ đồng để tạo ra tăng trưởng lợi nhuận 23% so với cùng kỳ.
(Nguồn: Doanh nghiệp cung cấp)
Theo đó, giá trị tài sản thuần là 1,547 tỷ. KDH mua 60%, tức là mua 0.6 * 1,547 = 928.2 tỷ đồng. Giá KDH bỏ ra mua là 620 tỷ, vậy KDH lãi 928.2 - 620 = 308.2 tỷ đồng. Vì sao KDH lại có thể mua được với mức giá “hời” như vậy thì mình chưa tìm ra được.
(Nguồn: Doanh nghiệp cung cấp)
Vậy theo bạn, doanh nghiệp sử dụng giao dịch mua rẻ để book tăng lợi nhuận có phải là điều xấu không? Còn mã nào mà bạn biết đã từng sử dụng giao dịch này? Hãy để lại comment ở phần bình luận nhé.