Trời Hà Nội mấy hôm nay lạnh, nhưng vấn đề tỷ giá lại “nóng” trở lại, cụ thể là liên quan đến việc Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu để ổn định tỷ giá. Thấy rằng nhiều anh em và bạn bè mình còn chưa rõ về các khái niệm tỷ giá cơ bản, và hoạt động phát hành tín phiếu ảnh hưởng gì đến tỷ giá, và điều đó ảnh hưởng gì tới các doanh nghiệp niêm yết và nhà đầu tư, nên mình viết bài này để mọi người có thể hiểu rõ những gì đang xảy ra (Hơi bị lạc đề do tên web là phân tích báo cáo tài chính :D)
Bài này mình sẽ trình bày các nội dung sau:
Các khái niệm cơ bản về tỷ giá,
Chính sách tỷ giá ở Việt Nam,
Câu chuyện NHNN phát hành tín phiếu để ổn định tỷ giá hối đoái,
Ảnh hưởng của việc tỷ giá USD tăng mạnh,
và câu hỏi mà rất nhiều anh em quan tâm: NHNN hút tiền qua phát hành tín phiếu đến bao giờ?
A. Các khái niệm cơ bản
I. Thị trường ngoại hối và tỷ giá hối đoái
Về cơ bản, hàng hóa, dịch vụ và tài sản được tạo ra trong một quốc gia phải được thanh toán bằng tiền tệ của quốc gia đó. Ví dụ: sản phẩm của Mỹ phải được thanh toán bằng USD; sản phẩm của Châu Âu phải được thanh toán bằng Euro; sản phẩm của Việt Nam phải được thanh toán bằng Đồng. Đôi khi, người bán sẽ chấp nhận thanh toán bằng ngoại tệ nhưng sau đó đổi lấy tiền tệ trong nước.
Khi đó, các giao dịch quốc tế đòi hỏi phải có một thị trường, gọi là thị trường ngoại hối (foreign exchange market), là nơi để trao đổi các đồng tiền với nhau. Thị trường này sẽ xác định tỷ giá hối đoái (exchange rates), là các mức giá giao dịch tiền tệ. (Theo từ điển Hán Nôm thì hối nghĩa là liên quan đến tiền, đoái có nghĩa là trao đổi, tỷ giá hối đoái nghĩa là tỷ giá đổi tiền).
II. Các cách nói dễ gây nhầm lẫn
Truyền thông thường sử dụng cách nói là tỷ giá tăng, tỷ giá giảm để nói về sự biến động của tỷ giá hối đoái. Điều này thể hiện rõ qua kết quả tìm kiếm từ Google:
Để làm rõ ý của cách nói tỷ giá tăng là gì, ta hãy xem ví dụ sau:
1 USD trước đây đổi được 23.000 VND, thì hiện nay đổi được 24.500 VND. Tỷ giá tăng ở đây nghĩa là 1 USD quy đổi được nhiều VND hơn.
Trong kinh tế học, khi thảo luận về sự biến động của tỷ giá hối đoái, các nhà kinh tế sử dụng thuật ngữ chuyên biệt để tránh nhầm lẫn. Khi một đồng tiền trở nên có giá trị hơn so với đồng tiền khác, các nhà kinh tế học nói rằng đồng tiền đó tăng giá (appreciates). Khi một đồng tiền có giá trị thấp hơn so với đồng tiền khác, thì đồng tiền đó giảm giá (depreciates).
Ở ví dụ trên, ta thấy phải mất nhiều VND hơn để đổi lấy 1 USD. Do vậy, ta nói đồng VND đang yếu đi, hay đồng VND đang giảm giá so với đồng USD.
Tóm lại, ở Việt Nam, để không bị nhầm lẫn thì bạn cần nhớ như sau:
Tỷ giá tăng => mất nhiều VND hơn để đổi 1 loại ngoại tệ => đồng VND yếu đi (giảm giá).
Tỷ giá giảm => mất ít VND hơn để đổi 1 loại ngoại tệ => đồng VND mạnh lên (tăng giá).
III. Các chủ thể tham gia vào thị trường
Ở Việt Nam, các giao dịch mua bán ngoại tệ được thực hiện giữa Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng thương mại, giữa các ngân hàng thương mại với nhau trên thị trường liên ngân hàng, và giữa ngân hàng thương mại bán cho doanh nghiệp và người dân (thị trường tự do).
B. Chính sách tỷ giá ở Việt Nam
Chính sách tỷ giá là những hoạt động của Chính phủ (mà đại diện là Ngân hàng trung ương) thông qua một chế độ tỷ giá nhất định và hệ thống các công cụ can thiệp (mà mình thích gọi là kho vũ khí - như bác Ben S. Bernanke hay gọi) nhằm duy trì một mức tỷ giá cố định hay tác động để tỷ giá biến động đến một mức cần thiết phù hợp với mục tiêu chính sách kinh tế của quốc gia.
(Các bạn có thể hiểu chế độ tỷ giá là cách thức mà một đất nước quản lý đồng tiền của nước mình.)
I. Cơ chế điều hành tỷ giá ở Việt Nam
Cơ chế điều hành tỷ giá thay đổi trong các thời kỳ, tuỳ theo theo tình trạng của nền kinh tế cũng như mức độ hội nhập vào thương mại thế giới.
Từ năm 2016, cơ chế điều hành tỷ giá mà Việt Nam áp dụng dựa trên hai yếu tố chính: tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá.
Tỷ giá trung tâm là tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đồng Đô la Mỹ, là tỷ giá chính thức vào giờ chốt giao dịch cuối ngày trước đó, cộng với một biên độ nhất định do Ngân hàng Nhà nước (sau đây viết tắt là NHNN) quyết định dựa trên diễn biến của thị trường, và được lấy làm tỷ giá giao dịch của ngày hôm sau.
Tỷ giá trung tâm được hình thành dựa trên 3 trụ cột:
Thay vì “neo” vào USD như trước đây, 8 đồng tiền thế giới được đưa tham chiếu để tính tỷ giá trung tâm là: USD, EUR (đồng tiền chung châu Âu), CNY (Trung Quốc), Yên Nhật, Đô la Singapore, Won (Hàn Quốc), Đô la Đài Loan và Baht (Thái Lan).
Trên cơ sở tỷ giá trung tâm công bố hằng ngày trên trang thông tin điện tử NHNN, các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ dựa trên cơ sở tỷ giá này để quyết định tỷ giá giao dịch với khách hàng của mình trong biên độ +/-5%. Tỷ giá trung tâm sẽ linh hoạt hơn, bám sát diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước cũng như diễn biến trên thị trường thế giới.
II. Các công cụ can thiệp và điều tiết tỷ giá (hay kho vũ khí)
Các công cụ can thiệp và điều tiết tỷ giá được phân loại như sau:
Nhóm công cụ trực tiếp: bao gồm phá giá tiền tệ, nâng giá tiền tệ, hoạt động mua bán của Ngân hàng trung ương trên thị trường ngoại hối, quy định hạn chế đối tượng được mua ngoại tệ, quy định hạn chế mục đích sử dụng ngoại tệ,…
Nhóm công cụ gián tiếp: bao gồm Lãi suất tái chiết khấu, thuế quan, hạn ngạch, giá cả.
Nhóm công cụ đặc biệt: quy định lãi suất trần thấp đối với tiền gửi bằng ngoại tệ, quy định trạng thái ngoại tệ đối với các Ngân hàng thương mại.
C. Câu chuyện NHNN phát hành tín phiếu để ổn định tỷ giá hối đoái
Tín phiếu có thể hiểu là chứng chỉ ghi nhận khoản nợ ngắn hạn do Chính phủ hoặc Ngân hàng Nhà nước phát hành, theo đó, tín phiếu mang đầy đủ thông tin xác nhận quyền của chủ nợ, quyền hưởng lợi tức của chủ nợ và nghĩa vụ của bên phát hành tín phiếu. Bên sở hữu là tổ chức tài chính, ngân hàng.
Tín phiếu là một trong những hình thức đầu tư tài chính an toàn, có tính thanh khoản cao và ít rủi ro. Tuy nhiên, tín phiếu được đánh giá có lợi nhuận thấp. Tín phiếu có thời hạn ngắn, thường theo quý hoặc dưới 1 năm.
Tín phiếu được đảm bảo tính an toàn rất cao, bởi vì tín phiếu được phát hành bởi Nhà nước, Chính phủ. Trong điều kiện kinh tế bình ổn, hệ thống chính trị ổn định, không có chiến tranh thì khả năng mất thanh toán nợ bằng 0.
Có 2 loại tín phiếu: tín phiếu Kho bạc và tín phiếu Ngân hàng Nhà nước. Phương thức phát hành tín phiếu là thông qua đấu thầu hoặc theo phương thức bắt buộc.
Kể từ năm 2012, các biện pháp mà NHNN sử dụng (để dung hoà bộ ba bất khả thi) chủ yếu thông qua phát hành tín phiếu NHNN. Lý do sử dụng công cụ này là vì thị trường tài chính còn chưa phát triển, các tài sản có giá còn thiếu, thị trường thứ cấp cho các tài sản này còn mỏng và bị phân đoạn. Lần gần đây nhất là vào năm ngoái, kể từ 21/9 đến 8/11/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có 34 đợt phát hành tín phiếu với hình thức đấu thầu lãi suất, kỳ hạn 28 ngày. Tổng giá trị tín phiếu phát hành đạt 360.345 tỷ đồng.
(Nguồn: SBV)
Vậy thì khi NHNN phát hành tín phiếu sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá như thế nào?
Khi các ngân hàng và TCTD mua tín phiếu thì một lượng tiền VND tại các tổ chức này sẽ được chuyển về NHNN. Khi lượng tiền VND giảm đi, hay nói cách khác có ít VND để cho vay hơn, thì lãi suất VND sẽ tăng lên. Khi lãi suất đồng nội tệ tăng lên, nhu cầu giữ tiền nội tệ của dân cư giảm và tăng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng để được hưởng mức lãi suất cao hơn. Những người đang giữ ngoại tệ cũng sẽ có nhu cầu chuyển từ ngoại tệ sang nội tệ và gửi vào ngân hàng để hưởng mức lãi suất chênh lệch. Cung ngoại tệ tăng trên thị trường ngoại hối sẽ khiến cho tỷ giá giảm, tức đồng nội tệ tăng giá so với đồng ngoại tệ.
Tất nhiên rồi, phát hành tín phiếu chỉ là 1 loại vũ khí ngắn hạn trong kho vũ khí. Ngắn hạn ở đây nghĩa là NHNN vẫn muốn duy trì xu hướng lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên giai đoạn ngắn hạn này, tỷ giá tăng mạnh buộc NHNN phải làm vậy.
Nếu vũ khí không hiệu quả, các vũ khí khác có thể tiếp tục được đem ra sử dụng.
D. Ảnh hưởng của việc tỷ giá USD tăng mạnh
Tỷ giá USD tăng mạnh sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp có nợ vay bằng USD cao, và ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà đầu tư nước ngoài.
Ảnh hưởng tới nhập khẩu và lạm phát
Ví dụ năm 2022 doanh nghiệp A nhập khẩu 1.000 USD tiền xăng với tỷ giá 20.000 VND/ 1 USD, như vậy nghĩa là doanh nghiệp A mất 20 triệu đồng để nhập khẩu xăng. Năm 2023 doanh nghiệp A vẫn nhập khẩu 1.000 USD tiền xăng, nhưng tỷ giá lúc này tăng lên 23.000 VND/ 1 USD. Điều này có nghĩa doanh nghiệp mất 23 triệu đồng nhập khẩu xăng, tức là mất thêm 3 triệu đồng so với năm 2022.
Hàm ý ở đây là với các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất, thì tỷ giá tăng sẽ khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên. Lạm phát cũng sẽ tăng lên
Ảnh hưởng tới xuất khẩu và GDP
Ví dụ năm 2022 doanh nghiệp A xuất khẩu 1.000 USD tiền bán thép với tỷ giá 20.000 VND/ 1 USD, như vậy nghĩa là doanh nghiệp A thu về 20 triệu đồng doanh thu VND. Năm 2023 doanh nghiệp A vẫn bán 1.000 USD tiền thép, nhưng tỷ giá lúc này tăng lên 23.000 VND/1 USD. Điều này có nghĩa doanh nghiệp thu được 23 triệu đồng tiền xuất khẩu thép, tức là có thêm 3 triệu đồng so với năm 2022.
Hàm ý ở đây là với các doanh nghiệp phải xuất khẩu, thì tỷ giá tăng sẽ khiến doanh thu của doanh nghiệp tăng lên, dẫn đến GDP tăng.
Ảnh hưởng đến doanh nghiệp vay bằng ngoại tệ
Với doanh nghiệp vay nợ bằng USD, các công ty có nợ vay bằng USD cao sẽ bị ảnh hưởng khi USD tăng giá dẫn đến lỗ chêch lệch tỷ giá hối đoái. Điều này kéo theo sự thay đổi làm sụt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp vay USD. Chắc hẳn mọi người vẫn còn nhớ lần lỗ hơn ngàn tỷ từ việc tỷ giá tăng của Hoà Phát năm 2022.
https://24hmoney.vn/news/hoa-phat-lo-ty-gia-1-270-ty-dong-quy-ii-c50a1562810.html
(Nguồn: VnEconomy)
Ảnh hưởng tới lợi nhuận của nhà đầu tư nước ngoài
Tỷ giá tăng nhanh khiến các khoản đầu tư bằng tiền đồng nếu quy đổi thành USD "vô tình" bị lỗ, nhưng ngược lại sẽ là "món hời" với các khoản vốn ngoại bằng USD chưa chuyển đổi để giải ngân. Hãy cùng xem xét điều này rõ hơn qua ví dụ sau:
Jim, một nhà đầu tư Mỹ, quyết định đầu tư vào thị trường bất động sản ở Việt Nam. Anh ta chọn một dự án bất động sản tiềm năng ở thành phố Hồ Chí Minh và đầu tư 1 triệu USD vào dự án này.
Ban đầu, tỷ giá hối đoái là 1 USD = 23.000 VND. Vì vậy, khi Jim đầu tư 1 triệu USD, giá trị tương đương trong đồng tiền Việt Nam là khoảng 23 tỷ VND.
Sau một thời gian, dự án bất động sản phát triển thành công và thị trường bất động sản ở Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Đồng USD tăng giá trị so với đồng VND, và tỷ giá hối đoái tăng lên 1 USD = 25.000 VND.
Khi Jim quyết định rút vốn từ dự án, giá trị của khoản đầu tư của anh ta trong đồng tiền Việt Nam tăng lên khoảng 24 tỷ VND. Tuy nhiên, giá trị thực tế khi quy đổi về USD là 960.000 USD, giảm 40.000 USD so với ban đầu.
Ngoài ra, khi nhà đầu tư nước ngoài thấy tỷ giá tăng thì điều hành lãi suất sẽ khó hơn, điều hành lãi suất khó hơn có nghĩa là có xác suất lãi suất không giảm hoặc sẽ tăng, điều này sẽ làm tăng trưởng của doanh nghiệp và tăng trưởng GDP khó khăn hơn. Điều này dẫn đến định giá doanh nghiệp sẽ đắt hơn.
E. Ngân hàng Nhà nước hút tiền qua phát hành tín phiếu đến bao giờ?
Đây chắc hẳn là câu hỏi được dân tình quan tâm nhiều nhất. Mục tiêu của NHNN khi hút tiền qua tín phiếu, là để giảm thiểu rủi ro liên quan đến tỷ giá có thể xảy ra. Khi mục tiêu đã đạt được thì hành động hút tiền qua phát hành tín phiếu sẽ dừng lại. Còn cụ thể là sau bao nhiêu ngày hay bao nhiêu tháng, mình cho rằng khá khó để dự báo.
Theo bạn, bao giờ việc NHNN hút tiền thông qua phát hành tín phiếu sẽ dừng lại? Liệu các nhóm ngành, các doanh nghiệp nào sẽ bị ảnh hưởng và hưởng lợi? Hãy comment ở dưới cho mình biết nhé.
dự đoán 10 phiên hút tiền nhé ad :D